* Xin bà cho biết khái quát về qui mô của 3 dự án này?
- Dự án Nâng cấp đô thị đang vào giai đoạn hoàn thành, trị giá khoảng 110 triệu USD từ vốn vay ODA do Ngân hàng Thế giới (WB) tài trợ, nhằm nâng cấp các khu đô thị thu nhập thấp thuộc các quận Ninh Kiều, Cái Răng, Bình Thủy, Ô Môn. Dự án dự kiến kết thúc vào cuối năm nay với Hồ Bún Xáng là điểm nhấn - một hạng mục cải tạo môi trường, cảnh quan và mang lại không gian sống chất lượng hơn cho cộng đồng.
Thứ 2 là Dự án Phát triển đô thị được thực hiện từ năm 2016 đến năm 2022 là dự án rất quan trọng trong kế hoạch phát triển của Cần Thơ. Vốn đầu tư hơn 312 triệu USD gồm có 242 triệu USD vay từ WB, 10 triệu USD tài trợ không hoàn lại từ SECO (Thụy Sĩ) và 60 triệu USD vốn đối ứng của Cần Thơ. Bên cạnh đầu tư quản lý ngập lụt của khu vực lõi đô thị để đảm bảo sự ổn định cho hoạt động của người dân và các tổ chức hoạt động, kinh doanh, tăng giá trị đất, dự án này còn hướng đến xây dựng một mô hình quản trị thành phố thông minh dựa trên nền tảng cơ sở dữ liệu chung. Qua đó, cung cấp được môi trường sống tốt, gia tăng thu hút các hoạt động đầu tư, tạo việc làm, người dân cũng như các nhà đầu tư có cơ hội cùng tham gia phát triển thành phố. Đây là nền tảng cho việc thu hút nguồn lực đầu tư của xã hội về lâu về dài, hướng Cần Thơ đến sự phát triển bền vững
Thứ 3 là dự án Bệnh viện Ung bướu TP Cần Thơ quy mô 500 giường, kinh phí khoảng 70 triệu Euro, do Chính phủ Hungary cho vay không lãi suất trong 20 năm. Công trình được thiết kế như một bệnh viện khách sạn với trang thiết bị và phương pháp chữa trị ung bướu tiên tiến nhất với mục tiêu giảm được chi phí, phù hợp khả năng chi trả của đa phần người dân ĐBSCL. Đồng thời, đây sẽ là một trung tâm nghiên cứu, đào tạo về điều trị ung bướu đầu ngành.
* Tiến độ 3 dự án này đã thực hiện đến giai đoạn này, thưa bà?
- Dự án Nâng cấp đô thị ĐBSCL – Tiểu dự án TP Cần Thơ đến cuối năm nay sẽ hoàn thành hồ Bún Xáng – đây cũng chính là công trình cuối cùng. Những công trình đã hoàn thành như khu tái định cư Long Tuyền; các tuyến đường nối như đường Lê Hồng Phong từ khu hành chính quận Bình Thủy ra đường Võ Văn Kiệt và nhiều tuyến đường khác; các hệ thống trường học như Trường Dân tộc nội trú ở Ô Môn, các trường ở quận Cái Răng, quận Ninh Kiều... Các khu vực được triển khai dự án đến nay đã không còn cảnh ô nhiễm môi trường, thiếu nước sạch, thiếu hệ thống chiếu sáng… Người dân ở những khu vực này hiện nay còn có điều kiện kinh doanh ngay tại nơi cư ngụ của mình, tăng giá trị nhà đất, đời sống được cải thiện về vật chất và tinh thần.
Đối với Dự án thứ 2 bắt đầu khởi động từ đầu năm 2017, kế hoạch tới quý 1-2018 sẽ khởi công tuyến đường giao thông mới; làm cầu Quang Trung 2; cầu Trần Hoàng Na bắc qua sông Cần Thơ nối đường Trần Hoàng Na, đường dẫn cầu Cần Thơ; công trình kè, khu công viên và đường giao thông sau kè dọc theo sông Cần Thơ từ bến Ninh Kiều tới rạch Cái Sơn. Hiện nay đang tập trung công tác bồi hoàn để có mặt bằng. Trong năm nay sẽ tổ chức đấu thầu 2 tuyến đường hành lang giao thông kết nối đô thị giữa ba quận Cái Răng, Ninh Kiều và Bình Thủy.
Đối với dự án Bệnh viện Ung bướu thành phố Cần Thơ, hiện đã xong việc chọn nhà thầu. Ngày 24-4, đại diện Bộ Ngoại giao và Kinh tế đối ngoại Hungary làm việc tiếp với Cần Thơ về văn kiện tài chính và hợp đồng thi công. Dự kiến sang tháng 5 tới, đoàn của Tổng thống Hungary sang để dự lễ khởi công bệnh viện này. Kế hoạch đến cuối năm 2018 bệnh viện sẽ hoàn thành và vận hành.
* Các dự án này sau khi hoàn thành sẽ phát huy hiệu quả ra sao, thưa bà?
- Dự án Phát triển đô thị với mục tiêu là quản lý ngập lụt và kết nối hành lang giao thông đô thị để tạo điều kiện phát triển kinh tế; kết nối các khu vực là động lực phát triển của TP Cần Thơ.
Thí dụ như hành lang giao thông kết nối đô thị Cái Răng - Ninh Kiều - Bình Thủy là để tạo điều kiện cho đô thị Cái Răng và Bình Thủy cùng phát triển với Ninh Kiều. Hành lang giao thông này gồm có xây thêm cầu Quang Trung 2 để giảm áp lực và tai nạn giao thông; làm cầu bắc qua sông Cần Thơ nối đường Trần Hoàng Na với đường dẫn cầu Cần Thơ. Nó sẽ hình thành một trục dọc đô thị kết nối những trục ngang chính của khu đô thị trung tâm, gồm trục đường Nguyễn Văn Cừ, 3 Tháng 2, 30 Tháng 4, Tầm Vu, đường dẫn cầu Cần Thơ. Ngoài ra còn đầu tư mới đường chính đô thị theo trục ngang, từ hẻm 91 nối đường Cách Mạng Tháng Tám tới rạch Mương Khai để hướng tới kết nối với tỉnh lộ 918. Tuyến ngang này là tiền đề cho sự kết nối với khu đô thị sinh thái Phong Điền. Trong xây dựng dự án, các tuyến này liên kết với nhau hình thành vùng đê bao quản lý ngập, thích ứng với biến đổi khí hậu (BĐKH). Toàn bộ rộng hơn 2.600 ha, kéo dài tới rạch Cái Sơn, đường Hoàng Quốc Việt vòng qua bến Ninh Kiều ra tới bờ sông Cần Thơ và khép vào rạch Khai Luông.
* Hợp phần hỗ trợ kỹ thuật trong các dự án này khi nào xúc tiến?
- Chúng tôi đang cùng các chuyên gia quốc tế làm hợp phần hỗ trợ kỹ thuật song song với biện pháp công trình để lồng ghép vào việc huy động nguồn lực từ các tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân, gia đình đồng hành cùng dự án. Dự án đi qua chỗ nào thì tạo điều kiện cho bà con ở đó có cơ hội tham gia phát triển kinh tế thông qua khai thác du lịch, dịch vụ và thương mại. Sẽ kết hợp đa dạng các hình thức như công viên, đường đi bộ, không gian công cộng, khu vực có cảnh quan đẹp, tạo không gian sinh hoạt cộng đồng thu hút du khách như cách làm ở cầu đi bộ Ninh Kiều từ hơn một năm nay.
Dự án Phát triển đô thị này rất cần cho Cần Thơ trước tình hình BĐKH, xâm nhập mặn, sạt lở, hạn hán và ngập đô thị đang gia tăng. Dự án này đưa vào mô hình quản lý ngập cho khu vực trung tâm TP Cần Thơ. Qua đó bảo vệ các công trình đầu mối cấp thành phố và cấp vùng trên địa bàn liên quan tới đào tạo nhân lực, chăm sóc sức khỏe, tài chính, thương mại… Mô hình quản lý rủi ro này sẽ tạo ổn định cho người dân, người lao động của Cần Thơ và cả vùng. Các doanh nghiệp, nhà đầu tư sẽ càng yên tâm hơn để tiếp tục mở rộng đầu tư vào Cần Thơ.
Đặc biệt là trong dự án còn có hợp phần hỗ trợ kỹ thuật về công tác quản lý, điều hành thông minh không chỉ cho đội ngũ quản lý mà còn gắn với sự tham gia của cả xã hội. Hệ thống "cơ sở dữ liệu dùng chung" liên quan tới việc theo dõi, điều tiết chống ngập về môi trường, về quản lý đất đai, quản lý đô thị, cấp phép xây dựng, các hệ thống bản đồ… tất cả sẽ có ở đây và được tích hợp về trung ương trong chỉ số dữ liệu quốc gia.
Và hiệu quả đằng sau đó chính là tạo điều kiện cho cải cách hành chính. Nó sẽ tác động rất lớn cho việc ổn định, tạo công ăn việc làm, phát triển kinh tế. Người dân cùng các doanh nghiệp sẽ được hưởng thụ trực tiếp thông qua môi trường an toàn, có được nhiều thông tin và tạo được nhiều công ăn việc làm hơn.
* Hiện nay, việc giải ngân cho hai dự án ODA vay vốn WB có thuận lợi không, thưa bà?
- Về giải ngân thì hiện nay cũng hơi có khó khăn do giai đoạn này Chính phủ đang rà soát lại trần nợ công nên vốn rót vào hơi chậm làm cho tiến độ dự án bị ảnh hưởng ít nhiều. Nhưng hiện nay TP đang hỗ trợ bằng mọi giải pháp để nhà thầu yên tâm tăng cường lực lượng đẩy nhanh tiến độ dự án. Thành phố cũng chỉ đạo các sở, ngành tập trung phối hợp hoàn thành các thủ tục để hỗ trợ nhà thầu. Các bộ, ngành cũng hỗ trợ thành phố tối đa, dự kiến sẽ trình Chính phủ để trong tháng 4 này tiếp tục giải ngân vốn ODA. Hiện dự án Nâng cấp đô thị đến cuối năm nay kết thúc, tiền còn lại cần khoảng 400 tỉ đồng. Còn dự án về Phát triển đô thị thì mới khởi động, nhu cầu cần trước khoảng 300 tỉ đồng.
* Xin cảm ơn bà!
Nguồn ODA Cần Thơ